Tin vui đầu năm cho các doanh nghiệp ngành nhựa

Tin vui đầu năm cho các doanh nghiệp ngành nhựa

Theo Hiệp hội nhựa Việt Nam (VPA), sau khi nhận được công văn kiến nghị của VPA, Bộ Tài chính đã có tờ trình Chính phủ đề xuất không tăng thuế nguyên liệu nhựa PP từ mức 3% lên 5% như cách đây vài tháng.

Với quyết định này, các doanh nghiệp nhập khẩu, sử dụng nguyên liệu nhựa PP có thể “thở phào nhẹ nhõm”. Đây là tin rất vui đối với cộng đồng doanh nghiệp ngành nhựa ngay đầu năm mới này.

Việc giữ nguyên mức thuế nguyên liệu nhựa PP sẽ được kéo dài đến năm 2022, khi các nhà máy sản xuất nguyên liệu trong nước đảm bảo nguồn cung trên 50% sản lượng lượng nội địa.

Sau thời gian này, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục xem xét điêu chỉnh thuế, nhằm đảm bảo hài hòa lợi ích đối với việc thu hút đầu tư của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực lọc hóa dầu.

Giữa tháng 11/2019 vừa qua, VPA nhận được công văn của Bộ Tài chính về việc xin ý kiến dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 125/2017/NĐ-CP, trong đó Bộ Tài chính đề xuất điều chỉnh tăng thuế nhập khẩu đối với mặt hàng Polypropylen (hạt nhựa PP thuộc nhóm HS 3902) từ 3% lên 5%.

Với quyết định này, các doanh nghiệp nhập khẩu, sử dụng nguyên liệu nhựa PP có thể "thở phào nhẹ nhõm"

Theo VPA, việc dự kiến tăng thuế nhập khẩu lên 5% đối với nguồn nguyên liệu chủ yếu sẽ gây ảnh hưởng rất tiêu cực đến ngành công nghiệp nhựa còn non trẻ của nước ta. Thậm chí, còn vô tình tăng thêm sức mạnh cho hàng ngoại trong việc chiếm lĩnh thị phần tại Việt Nam, giảm số thu ngân sách, nguy cơ doanhnghiệp nội địa sản xuất hàng hóa từ nguyên liệu PP phá sản, người lao động mất việc, an sinh xã hội bị ảnh hưởng.

Theo công suất thiết kế và sản xuất trên thực tế thì Công ty TNHH Một thành viên Lọc hóa dầu Bình Sơn kể từ khi đưa vào sản xuất cho đến hết năm 2017 thì tổng công suất tối đa chỉ đạt 150.000 tấn/năm và Khu liên hợp lọc hóa dầu Nghi Sơn theo tiến độ đến giữa năm 2019 mới đi vào hoạt động sản xuất để cung cấp sản phẩm PP cho thị trường Việt Nam nhưng sản lượng không đạt mức công suất thiết kế là 300.000 tấn/năm.

Tương tự, Công ty TNHH Hyosung Vietnam có công suất thiết kế là 300.000 tấn/năm nhưng chỉ có 1/3 công suất sản phẩm PP là được sử dụng cho sản xuất các sản phẩm Nhựa ép (PP Injection) và 2/3 tổng công suất còn lại là sản phẩm chuyên dụng phục vụ ngành dệt may.

Trong khi đó, nhu cầu tiêu thụ hạt nhựa PP tại thị trường Việt Nam trong vòng 5 năm nay tăng bình quân 200.000 tấn/năm, từ 582.761 tấn vào năm 2014 đã tăng lên 1.274.988 tấn vào năm 2018. Dự kiến, giai đoạn 2019-2023 nhu cầu sử dụng nguyên liệu nhựa PP sẽ tăng bình quân 11,38%, từ 1.420.081tấn năm 2019 lên 2,185,453 tấnnăm 2023.

Khả năng cung ứng của 3 nhà sản xuất nhựa PP nói trên sẽ giảm dần trong thời gian tới (dựa theo phân tích số liệu từ công suất thiết kế và thực tế ứng dụng của sản phẩm trong sản xuất thiết kế), đồng nghĩa với việc doanh nghiệp nhựa phải tìm kiếm nhập khẩu nguyên liệu PP từ nước ngoài.

VPA tính toán, theo giá nhập khẩu hiện tại, nếu tăng thuế nhập khẩu lên 5% thì chi phí phát sinh mà DN nhựa nhập khẩu từ các nước Trung Đông, Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc… phải chi trả dự kiến trong 5 năm tới là trên 1.200 tỉ đồng.

Do đó, VPA đã có công văn kiến nghị Bộ Tài chính, Bộ Công Thương xem xét không tăng thuế nhập khẩu nguyên liệu PP lên 5%, giữ nguyên mức thuế suất nhập khẩu nguyên liệu nhựa PP ở mức 3% như hiện nay, đồng thời cung cấp đầy đủ các thông tin liên quan đến nguồn nguyên liệu nhựa PP cung cấp cho ngành nhựa trong nước.

Sau khi nhận được kiến nghị của VPA, Bộ Tài chính đã có tờ trình Chính phủ đề xuất không tăng thuế nguyên liệu nhựa PP từ mức 3% lên 5% và đã được Chính phủ đồng ý.


Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *